Viêm gan C - Những điều cần biết

31/10/2013

Bên cạnh viêm gan A, viêm gan B, thì viêm gan C cũng là một căn bệnh nguy hiểm dễ dẫn đến những biến chứng về gan như xơ gan, ung thư gan...

 

Viêm gan C là bệnh tương đối nguy hiểm do virut viêm gan siêu vi C (Hepatitis C) gây ra. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cơ bản về căn bệnh mới được phát hiện vào năm 1989 này.

Tình hình phôi nhiễm viêm gan C

Theo ước tính, trên toàn thế giới có khoảng 150-200 triệu người đang nhiễm siêu vi C mãn tính. Mỗi năm, cứ trung bình 100.000 người sẽ có từ 1-3 người mới mắc bệnh. Tỉ lệ người nhiễm siêu vi C sẽ có sự thay đổi theo từng vùng. Ở Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh hiện nay là khoảng 2% và đang có khuynh hướng gia tăng.

Theo các chuyên gia về dịch tễ học, vi-rút viêm gan C chiếm khoảng 20% các trường hợp viêm gan cấp tính, 70% trường hợp viêm gan mạn tính, 40% trường hợp xơ gan giai đoạn cuối, 60% trường hợp ung thư gan và trong 30% trường hợp ghép gan. Như vậy, dù là căn bệnh được phát hiện sau viêm gan A và B, nhưng mức độ nguy hiểm của viêm gan C là rất cao.

Con đường truyền bệnh

Sự lây nhiễm của vi-rút viêm gan C chủ yếu qua đường máu và những thủ thuật không đảm bảo vô trùng. Những đường lây nhiễm vi-rút viêm gan C quan trọng là:

- Truyền máu hoặc các sản phẩm từ máu có nhiễm vi-rút viêm gan C: thường là những trường hợp truyền máu trước năm 1991.

- Dùng chung kim tiêm có nhiễm vi-rút viêm gan C như tiêm chích ma túy.

- Xăm mình, xỏ lỗ tai với vật dụng không được khử trùng hoặc khử trùng không đúng cách.

- Dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ cắt móng tay, móng chân.

- Nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh phẩm chứa vi-rút viêm gan C trong quá trình làm việc.

- Lây từ mẹ sang con, nhưng với tỷ lệ thấp.

- Lây qua đường tình dục với tỷ lệ thấp nhưng không phải là không đáng kể, nhất là những người có tổn thương niêm mạc, hoặc quan hệ trong thời gian hành kinh.

- Ngoài ra, có một tỷ lệ đáng kể bị nhiễm vi-rút viêm gan C không rõ nguyên nhân

Tiến trình phát triển của bệnh

Thông thường từ 7 đến 8 tuần sau khi bị lây bệnh, khoảng 30% bệnh nhân viêm gan C bỗng dưng cảm thấy hơi khó chịu như những cơn cảm cúm sơ sài. Bệnh không tấn công gan một cách dữ dội, nên gần như sẽ không ai thiệt mạng một cách "bất đắc kỳ tử" vì căn bệnh này

Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn viêm gan C có khuynh hướng tàn phá và tiêu hủy gan của chúng ta một cách tương đối chậm chạp nhưng chắc chắn, đưa tới viêm gan (inflammation, hepatitis), xơ gan (liver fibrosis), chai gan (liver cirrhosis) và ung thư gan (liver cancer).

 

viem-gan-c-nhung-dieu-can-biet

Tế bào gan đang bị virut siêu vi C tấn công, còn bạch huyết cấu thì đang chống lại sự hủy hoại này.

Trong lúc tăng trưởng, chúng có khả năng thay đổi đặc tính di truyền RNA của mình, hóa trang và biến dạng thành nhiều "hình thù" khác nhau. Khả năng biến hóa này đã giúp chúng thoát khỏi vòng kiểm soát chặt chẽ của hệ thống miễn nhiễm (immune system). Vì thế, sau một thời gian ngắn, cơ thể chúng ta, có thể chứa đựng hàng tỷ vi khuẩn viêm gan C với nhiều mã di truyền khác nhau, với những chiếc "áo giáp" khác nhau

Những người bị viêm gan vi-rút C có tốc độ suy giảm chức năng gan rất khác nhau, ngay cả bác sĩ cũng khó có thể chẩn đoán chính xác. Hiện nay, các chuyên gia ghi nhận một số yếu tố có thể làm bệnh tiến triển nhanh hơn như: nhiễm vi-rút ở người lớn tuổi, bệnh nhân uống rượu, nhiễm đồng thời với vi-rút viêm gan B, nhiễm đồng thời với vi-rút HIV, nhiễm bệnh ở những người tiểu đường, béo phì, gan thoái hóa mỡ, hút thuốc..

Phòng bệnh

Hậu quả chính của viêm gan mạn tính do vi-rút viêm gan C là tiến triển tới xơ gan và những biến chứng: xuất huyết tiêu hóa, suy gan và ung thư gan nguyên phát. Nhiều trường hợp bệnh chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối là xơ gan. Khi đã bị xơ, gan khó hồi phục lại, cho dù tình trạng viêm có thuyên giảm. Vì vậy, nên xét nghiệm vi-rút viêm gan C khi đi khám sức khỏe. Vì những hậu quả nặng nề của bệnh ở giai đoạn trễ, nên cố gắng chẩn đoán và điều trị trước khi bị xơ gan là điều quan trọng nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan.

Để phòng bệnh, cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với siêu vi viêm gan C qua các đường lây nhiễm vừa kể. Nếu đã bị bệnh, người bệnh phải sử dụng riêng những vật dụng có dính máu của mình như bàn chải, cắt móng tay, dao cạo râu…Bệnh nhân vẫn có thể ăn uống sinh hoạt chung với người thân như bình thường. Nhưng rất cần giữ một lối sống lành mạnh, không bia rượu, tránh béo phì và phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc gì, kể cả thuốc cổ truyền để tránh không làm tổn hại thêm tế bào gan.

 

Tags : viêm gan C | viem gan C | bệnh viêm gan C | benh viem gan C

Sản phẩm nổi bật