Những người có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

16/09/2024

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường là người cao tuổi, nghiện thuốc lá hoặc tiếp xúc lâu dài với môi trường ô nhiễm.

COPD đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục, chủ yếu do phản ứng viêm bất thường ở phổi.


Người cao tuổi có nguy cơ bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

 

Theo ThS.BS Trần Duy Hưng từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nguyên nhân chính của COPD là hút thuốc lá, khi khói thuốc chứa nhiều hóa chất độc hại làm tổn thương đường hô hấp và phổi, gây viêm mạn tính và suy giảm chức năng phổi. Ô nhiễm không khí và bụi công nghiệp cũng góp phần làm bệnh phát triển.

Triệu chứng của COPD ban đầu không rõ ràng, thường bị nhầm với các bệnh hô hấp khác. Người bệnh có thể gặp khó thở, thở nặng nhọc và cảm giác thiếu không khí, đặc biệt khi gắng sức hoặc bị nhiễm trùng hô hấp. Triệu chứng ho hoặc khạc đờm kéo dài hơn ba tháng cũng là dấu hiệu cần lưu ý. Những người bị nhiễm trùng hô hấp tái phát hoặc tiếp xúc với yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá cần sàng lọc COPD sớm.


Các triệu chứng thường gặp ở bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu suy hô hấp mạn tính như môi và đầu chi tím tái, co kéo cơ liên sườn, hoặc phù chân. Lồng ngực có thể biến dạng giống như hình cái thùng. Một số bệnh nhân chỉ có triệu chứng kín đáo như ho nhẹ hoặc khó thở khi gắng sức.

Để chẩn đoán COPD, bác sĩ thường dựa trên khám lâm sàng, tiền sử bệnh lý và các xét nghiệm như đo chức năng phổi, X-quang và CT để xác định mức độ tổn thương và loại trừ các bệnh lý khác.

Mặc dù COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng điều trị có thể giảm triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh. Bỏ thuốc lá là biện pháp quan trọng giúp cải thiện chức năng phổi. Thuốc giãn phế quản và steroid được sử dụng để giảm viêm và co thắt đường hô hấp. Trong trường hợp nặng, liệu pháp oxy và phục hồi chức năng phổi giúp cải thiện tình trạng hô hấp. Dinh dưỡng và duy trì cân nặng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh.

Phòng ngừa COPD tập trung vào việc giảm các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là ngừng hút thuốc lá. Việc hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm không khí, bụi và hóa chất độc hại tại nơi làm việc bằng cách đeo mặt nạ bảo vệ cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Nguồn tham khảo: theo VnExpress

Tin tức nổi bật

Chủ đề HOT

Bệnh Ung Thư Tuyến Tiền Liệt Cảm - Xốt - Ho Covid Bệnh Ung Thư Gan Bệnh HIV Bệnh ung thư đại trực tràng Bệnh Huyết Áp Xương Khớp Sức khỏe tim mạch Bệnh Tiểu Đường Viêm Gan C Viêm Gan B Viêm Gan A Vitamin và Khoáng Chất

Sản phẩm nổi bật