Thể dục cho người bệnh tim, nên hay không ?

08/01/2014

Ai cũng biết tập thể dục mỗi ngày giúp chúng ta khỏe mạnh hơn, vóc dáng cân đối và một tinh thần sảng khoái. Đây còn là một nhân tố giúp con người sống lâu hơn, nhưng liệu nó có thực sự tốt cho người mắc bệnh tim mạch ?

 

Theo PN - BS Lê Văn Vĩnh, huấn luyện viên CLB khí công (3 Dương Đình Nghệ, TP.HCM) cho biết, nhờ luyện tập thể dục thích hợp mà tỷ lệ tử vong ở những người sau nhồi máu cơ tim có thể giảm từ 20 - 25%.

Khi tập thể dục, dù với cường độ nào thì cơ thể cũng phải gắng sức. Và, một số biến cố tim mạch có thể xuất hiện như đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, nguy cơ đó rất thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 1/400.000 - 800.000 người luyện tập. Cần biết, 90% các biến cố tim mạch xảy ra khi nghỉ ngơi chứ không phải lúc đang vận động.

Bên cạnh đó, khoa học đã chứng minh rằng người bị bệnh tim mạch cơ năng và tăng huyết áp không những không phải kiêng thể dục, thể thao mà còn cần phải tập đều đặn hơn, tác dụng của nó vào cơ tim như sau :

- Làm tăng sức chịu đựng thiếu oxygen, tức giảm mức nhu cầu đòi hỏi về oxy của cơ tim.

- Khai thông những mạch bàng hệ đã có, nhưng kém hiệu năng hoạt động trong cơ tim.

- Thúc đẩy sự tân sinh những mạch bàng hệ mới, đi vòng vượt đoạn mạch vành bị tắc.

Nhưng người tập cũng nên nhớ không nên tập quá sức, chỉ nên vừa sức chịu đựng của tim mạch. Khi người tập thấy mệt, khó thở hoặc đau ngực thì phải ngừng ngay lập tức.. Để không sợ tập quá sức, người tập có thể đo nhịp tim theo công thức: (220 - số tuổi) x (60% hoặc 70%). Ví dụ người 50 tuổi thì phải có nhịp tim tối đa trong lúc vận động là: (220 - 50) x 70% = 119 lần/phút. Bên cạnh đó, người tập cũng không nên tập quá nhẹ và quá ít.

 

Ngay đây, chúng ta hãy tìm hiểu đâu là môn thể thao thích hợp cho người bị tim mạch nhé !

 

Đi bộ

Muốn đạt lợi ích thật sự cho tim mạch thì nên đi hơi nhanh, hơi rảo bước để cho mạch nhanh lên. Sau đó thong thả đi chậm. Nếu thấy ra chút mồ hôi và hơi thở gấp một chút là tốt. Có thể đi bộ nhiều lần trong ngày. Mỗi ngày rảo bước độ 30 - 60 phút là đủ.

 

Chạy bộ

Đây là cách tập luyện rất tốt cho người bệnh tim. Mỗi buổi tập nên bắt đầu chạy chậm, sau đó nhanh dần nhưng vừa sức và đều đặn. Khi thấy mệt thì chạy chậm dần lại trước khi ngừng hẳn.

Những buổi tập đầu tiên nên chạy những quãng đường ngắn, vài trăm mét hoặc người yếu thì vài chục mét, nhưng sau đó sẽ tăng dần lên. Có thể mỗi tuần chỉ chạy ba - bốn lần, với điều kiện tổng số chiều dài quãng đường được nâng dần lên.

Tránh chạy ở những nơi không khí ô nhiễm. Theo nghiên cứu, những người hít thở không khí ô nhiễm trong một thời gian dài sẽ có nguy cơ chết vì bệnh tim cao hơn người sống trong môi trường trong lành đến 76%.

 

Bơi lội

Môn thể thao này rất thích hợp với điều kiện là bơi thư thả nhẹ nhàng, không bơi nhanh và lặn vì việc nín thở rất nguy hiểm cho tim mạch.

 

Bóng bàn, cầu lông

Môn thể thao nhẹ rất an toàn. Chơi tùy sức, nhẹ nhàng, đừng cố gắng nhưng không được chơi kéo dài trên một giờ.

 

Khí công, yoga

Chúng có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe toàn thân, đặc biệt là tim mạch vì nó ảnh hưởng tốt đến tâm lý, tạo sự lạc quan và tự tin cho người tập.

 

Những hoạt động thể lực làm cho tác động mạch mềm mại, đàn hồi, dẻo dai hơn; làm cho các tĩnh mạch đưa máu về tim nhanh chóng và đều đặn hơn, đẩy máu nhiều hơn đến các cơ quan quan trọng như não, phổi, thận, gan và các cơ bắp, giãn mạch ngoại biên giúp sức khỏe tốt hơn. Vì vậy, bạn nên tập luyện đều đặn mỗi ngày. Nếu bạn không thể sắp xếp thời gian để luyện tập mỗi ngày 30 phút thì có thể leo cầu thang bộ thay vì đi thang máy, hoặc cố gắng đi bộ nhiều hơn.

Hãy tập thể dục mỗi ngày vì một trái tim khỏ mạnh hơn, bạn nhé !

 

Mọi hình thức sao chép bài viết vui lòng ghi rõ Nguồn MediUSA.vn

 

 

Sản phẩm nổi bật