Biến chứng tim mạch của bệnh nhân cao huyết áp

15/11/2013

Người mắc bệnh cao huyết áp dễ dẫn đến nhiều biến chứng bệnh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, trong đó biến chứng tim mạch là một biến chứng vô cùng nguy hiểm

 

Những người có huyết áp thường xuyên cao hơn mức độ bình thường được gọi là cao huyết áp (tăng huyết áp). Cao huyết áp đối với người từ 18 tuổi trở lên là khi người đó có ít nhất một trong hai chỉ số huyết áp sau:

Huyết áp tối đa ≥ 140 mm Hg

Huyết áp tối thiểu ≥ 90 mm Hg.

Như vậy, nếu con số huyết áp là 150/80, 130/100 hoặc 150/90 mm Hg... sau nhiều lần đo thì gọi là tăng huyết áp.

Huyết áp cao có thể gây ra nhiều biến chứng về mắt, về thận, về hệ thần kinh, và đặc biệt gây ra biến chứng tim nghiêm trọng. Vì sao như vậy?

Hoạt động bình thường của tim gồm 2 thời kỳ kế tiếp nhau: Thời kỳ tâm thu và thời kỳ tâm trương. Thời kỳ tâm thu là thời kỳ tim bơm máu đi nuôi các tế bào của cơ thể, đến thời kỳ tâm trương, tim nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một chu kỳ co bóp tiếp theo. Do đó khi huyết áp tăng, nghĩa là tim ở thời kỳ tâm trương vẫn phải làm việc, lâu dần tạo nên áp lực cho tim.

Biến chứng tim mạch của bệnh nhân cao huyết áp

Hoạt động của tim gồm 2 thời kì kế tiếp nhau

 

Những biến chứng tim mạch thường gặp ở bệnh nhân cao huyết áp là:

Phì đại thất trái

Đây là biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi đã bị cao huyết áp một thời gian dài, hoặc những bệnh nhân bép phì và có huyết áp tăng cao không kiểm soát.

Phì đại thất trái làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và tử vong. Triệu chứng của bệnh có 2 trường hợp:

- Không có triệu chứng gì

- Có một số biểu hiện như tim đập nhanh, khó thở khi đi bộ nhanh, khi leo cầu thang, hụt hơi, mau mệt khi gắng sức, có thể khó thở khi nằm, phải kê cao gối.

Nguyên nhân là do khi huyết áp tăng lên là tăng áp lực lên thành tâm thất trái khiến tâm thất co bóp khó khăn, do đó các sợi cơ tâm thất phải tăng kích thước, tăng thời gian co bóp để duy trì lượng máu bơm ra ngoài. Tình trạng này kéo dài nên làm cơ tâm thất trái bị phì đại.

Suy tim tâm trương

Đây là một di chứng của phì đại thất trái. Cao huyết áp lâu ngày làm cho thành tâm thất bị phì đại, bị xơ hóa, giảm khả năng đàn hồi nên không thể giãn ra trong thời kỳ tâm trương, làm hạn chế lượng máu về tim. Hậu quả là ứ đọng máu ở các tĩnh mạch phổi và tĩnh mạch hệ thống.

Bệnh nhân suy tim tâm trương sẽ có các biểu hiện như mệt, khó thở khi gắng sức, ho về đêm lúc nghỉ do ứ đọng ở phổi. Ngoài ra, người bệnh có thể phù chân, tĩnh mạch cổ nổi, tăng cân do ứ máu ở ngoại biên.

Suy tim tâm thu

Là tình trạng tim giảm khả năng co bóp tống máu trong thời kỳ tâm thu dẫn đến không cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho nhu cầu cơ thể. Suy tim tâm thu là biến chứng rất nặng, làm hạn chế sinh hoạt thường ngày của người bệnh, tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật.

Khi có biến chứng này, người bệnh sẽ có một số triệu chứng:

- Khó thở, mệt khi gắng sức. Lúc đầu khó thở khi gắng sức nhiều, càng về sau khó thở xảy ra khi gắng sức nhẹ và cuối cùng khó thở xảy ra cả lúc nghỉ.

- Ban đêm khi nằm ngủ bệnh nhân ho, khó thở. Trường hợp nặng, bệnh nhân phải ngồi để thở.

- Phù chân, tăng cân

Thiếu máu cơ tim

Động mạch vành là hệ thống cung cấp máu cho cơ tim. Thiếu máu cơ tim xảy ra khi lượng máu cung cấp đến cơ tim bị giảm do động mạch vành bị tắc nghẽn. Bệnh nhân bị động mạch vành có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao và ngược lại, tăng huyết áp là nguy cơ của bệnh động mạch vành.

Người bị thiếu máu cơ tim sẽ có triệu chứng:

- Cảm giác đè nặng, đau tức ở vùng ngực trái, kéo dài 15-20 phút (có khi đau dữ dội, kéo dài là do nhồi máu cơ tim).

- Đau lan sang cánh tay trái, lan lên đến cằm.

- Xảy ra khi người bệnh gắng sức, bị stress tình cảm, giảm khi người bệnh nằm nghỉ.

Rung nhĩ

Bình thường tâm nhĩ co bóp đều đặn tống máu vào tâm thất trong thời kỳ tâm trương. Rung nhĩ là do các xung điện bất thường trong tâm nhĩ làm tâm nhĩ mất khả năng co bóp, chỉ "rung" với nhịp không đều, hỗn loạn, khiến tim đập không đều, đập nhanh. Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim.

Ở các nước phương Tây, phần lớn các trường hợp rung nhĩ là do tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm suy tim tâm trương, gây ứ đọng máu và tăng áp lực trong tâm nhĩ, lâu ngày làm tâm nhĩ dãn và hình thành các xung điện bất thường trong tâm nhĩ gây rung nhĩ.

Phình, bóc tách động mạch chủ

Động mạch chủ là động mạch chính dẫn máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể.  Tăng huyết áp làm tăng áp lực trên thành động mạch, lâu ngày làm thành mạch xơ cứng, dày, lớp nội mạc (lớp trong cùng của động mạch) bị xơ vữa. Động mạch chủ có thể bị giãn, lớp nội mạc có thể bị nứt, vỡ gây nên phình hoặc bóc tách.

Bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:

- Đau dữ dội vùng ngực, bụng hoặc lưng tùy vị trí bị bóc tách.

- Buồn nôn và nôn,

- Co cứng cơ và thành bụng

Toát mồ hôi lạnh

Cách nào để phòng ngừa biến chứng tim mạch do tăng huyết áp?

- Thay đổi lối sống tích cực, giảm cân ở người thừa cân, béo phì. Khi giảm được 10kg cân nặng sẽ giúp giảm huyết áp từ 5-20 mmHg.

- Tăng cường vận động. Tập thể dục 30-60 phút đều đặn mỗi ngày giúp giảm huyết áp 4-9 mmHg.

- Dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, giảm muối, giảm chất béo, ăn nhiều rau quả

- Hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá. Hút thuốc lá có thể làm huyết áp tăng 10 mmHg kéo dài đến 1 giờ sau hút. Tránh môi trường có khói thuốc nhằm tránh hút thuốc thụ động.

- Tuân thủ chế độ điều trị, kiểm soát tốt huyết áp. Uống thuốc đều đặn, đúng và đủ liều lượng, tái khám theo đúng lịch hẹn bác sĩ.

- Khi thấy có các triệu chứng bất thường cần đến gặp bác sĩ để khám và tư vấn.

 

Tags : máy đo huyết áp | may do huyet ap | máy đo huyết áp điện tử | may do huyet ap dien tu | máy đo huyết áp bắp tay | may do huyet ap bap tay | máy đo huyết áp cổ tay | may do huyet ap co tay

Sản phẩm nổi bật