Vitamin với sức khỏe con người

17/01/2014

Vitamin là những chất hữu cơ có phân tử thấp, chúng tham gia vào các chức phận chuyển hóa cơ thể: tham gia vào các men của các tổ chức trong cơ thể, tổng hợp, sử dụng và chuyển hóa các chất dinh dưỡng ở mức tế bào và phân tử. Vitamin vẫn thường được gọi là "chất sống của cơ thể", cách gọi này phần nào nói lên được tầm quan trọng của vitamin với sức khỏe con người.

Vai trò của vitamin với sức khỏe

 

Nhu cầu hàng ngày về vitamin cho cơ thể con người rất ít, tùy thuộc vào từng lứa tuổi. Tuy nhiên, vitamin lại có vai trò rất quan trọng, tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa và nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, cụ thể:

- Điều hòa sự tăng trưởng: Vitamin A, E, C.

- Phát triển tế bào biểu mô: Vitamin A, D, C, B2, PP.

- Tăng cường miễn dịch: Vitamin A, C.

- Tác động đến hệ thần kinh: Vitamin B1, B2, PP, B12, E.

- Nuôi dưỡng mắt: Vitamin A.

- Bảo vệ tế bào và chống lão hóa: Vitamin A, E, C.

- Điều chỉnh quá trình đông máu: Vitamin K.


Bạn cần loại vitamin nào?

 

Nhu cầu vitamin của từng nhóm đối tượng là không giống nhau, cụ thể:

Trẻ nhỏ cần ăn thêm những thực phẩm giàu vitamin A, C, D. Phụ nữ mang thai, cần bổ sung vitamin B9 (axid folic). Các bà mẹ đang nuôi con bú cần nhiều vitamin A, E, C.

Trẻ suy dinh dưỡng nặng cần được cung cấp thêm vitamin A và acid folic. Với người bệnh tăng huyết áp, cần ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, A, E. Bệnh nhân tiểu đường nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, nhất là nhóm B. Còn người bệnh lao cần bổ sung vitamin D, B6.

Nếu bữa ăn có nhiều chất béo, bạn cần ăn thêm những thực phẩm có nhiều vitamin E.

Nếu bữa ăn có nhiều chất đạm (như khi cho trẻ suy dinh dưỡng ăn sữa gầy - loại sữa có nhiều protein), cần ăn thêm những thực phẩm giàu vitamin A.

 

Hậu quả của việc thiếu hụt vitamin đối với cơ thể

 

Thiếu vitamin A:

Thiếu vitamin A có thể gây ra bệnh quáng gà, tức nhìn không rõ vào buổi chiều tối và vệt bitot ở mắt giống như đốm bọt xà phòng. Ngoài vấn đề ở mắt, thiếu vitamin A có thể dẫn đến các hậu quả khó nhận biết như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm sức đề kháng làm trẻ hay mắc bệnh viêm đường hô hấp hay tiêu hóa, da bị sừng hóa, bong vảy và tróc, gây phá vỡ hàng rào bảo vệ, tạo điều kiện nhiễm trùng da tại chỗ.

Thiếu vitamin D.

Thiếu vitamin D sẽ dẫn đến còi xương ở trẻ em, co giật do hạ canxi máu và loãng xương ở người trưởng thành. Trẻ còi xương có các biểu hiện hay giật mình, khóc đêm, đổ mồ hôi trộm, rụng tóc hình vành khăn sau đầu, trán nhô, chân cong vòng kiềng, lồng ngực gà, chậm tăng chiều cao, chậm mọc răng...

Thiếu vitamin B1

Thiếu vitamin B1 có thể bắt đầu bằng các triệu chứng chung như kém ăn, khó chịu, đi lại khó vì chân yếu và nặng, đôi khi có phù nhẹ ở các chi và mặt, thường đánh trống ngực và đau vùng trước tim, mạch hơi nhanh. Bệnh có thể chuyển sang các thể nặng hơn như viêm cơ tim, viêm và liệt đa dây thần kinh ngoại biên, suy tim cấp, mất tiếng, giả màng não...

Thiếu vitamin C

Thiếu vitamin C thường dẫn đến cơ thể mệt mỏi, xuất huyết dưới da (vết bầm tím), bệnh về nướu răng, chậm tăng trưởng, đau cơ, khớp, vết thương lâu lành sẹo, gia tăng quá trình lão hóa và gia tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính không lây như ung thư, tim mạch và thoái hóa khớp.

Thiếu sắt

Thiếu chất sắt ở mức độ nhẹ gây một số hậu quả như làm giảm khả năng nhận thức, thay đổi hành vi và chậm phát triển thể chất ở trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ và trẻ em tuổi học đường, làm suy giảm tình trạng miễn dịch và gia tăng tỉ lệ tử vong với bệnh nhiễm trùng ở mọi lứa tuổi. Ở mức độ nặng hơn, thiếu sắt có thể gây tình trạng thiếu máu, tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Mọi hình thức sao chép bài viết vui lòng ghi rõ nguồn MediUSA.vn

Tin tức nổi bật

Chủ đề HOT

Bệnh Ung Thư Tuyến Tiền Liệt Cảm - Xốt - Ho Covid Bệnh Ung Thư Gan Bệnh HIV Bệnh ung thư đại trực tràng Bệnh Huyết Áp Xương Khớp Sức khỏe tim mạch Bệnh Tiểu Đường Viêm Gan C Viêm Gan B Viêm Gan A Vitamin và Khoáng Chất

Sản phẩm nổi bật