Cần sớm điều trị bệnh cao huyết áp

31/10/2013

Theo thống kê trong năm 2012 của Bộ Y Tế, đối với người dân Việt Nam từ 20 tuổi trở lên thì tỉ lệ cao huyết áp là 25% tương đương 22,5 triệu người.

 

Phần lớn bệnh cao huyết áp không có triệu chứng. Các dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt choáng váng, buồn nôn, mửa, mệt mỏi... không phải là biểu hiện của chỉ mỗi bệnh cao huyết áp. Và khi có triệu chứng tăng huyết áp, thường thì lúc này đã là biến chứng hoặc bệnh cao huyết áp đã nặng.

Các biến chứng thường gặp của cao huyết áp là gì ?

Các biến chứng tim mạch: 

Cao huyết áp làm tăng nguy cơ nhồi máu co tim lên gấp 2 lần: Cao huyết áp lâu ngày làm hư lớp nội mạc (lớp áo trong cùng) của mạch vành, làm các phân tử cholesterol tỉ trọng thấp (LDL) dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào lớp áo trong động mạch vành, sau đó làm hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành. Khi động mạch vành bị hẹp nhiều, bệnh nhân thấy đau ngực, nghẹn trước ngực khi gắng sức, khi vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi bệnh nhân ngừng gắng sức (triệu chứng bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ). Đau trước ngực có thể lan lên cổ, lan ra tay trái và ra sau lưng. Nếu mảng xơ vữa động mạch bị nứt, vỡ thì trong động mạch vành hình thành huyết khối, làm tắc động mạch vành và làm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. 

Cao huyết áp cũng làm cơ tim phì đại (cơ tim dày lên): Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do cao huyết áp sẽ có một vùng cơ tim bị chết, không thể co bóp được, dẫn đến suy tim. Cao huyết áp lâu ngày làm cơ tim phì đại, nếu không được điều trị cũng sẽ dẫn đến suy tim.

 

Các biến chứng về não

Xuất huyết não: Khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong

Nhũn não: Cao huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự mạch vành), nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây chết một vùng não (còn gọi là nhũn não).

Thiếu máu não: Cao huyết áp làm hẹp động mạch cảnh, động mạch não, làm máu bơm lên não không đủ khiến người bệnh thấy chóng mặt, hoa mắt, có khi bất tỉnh.

 

Các biến chứng về thận

Cao huyết áp làm hỏng màng lọc của tế bào thận, làm bệnh nhân tiểu ra protein (bình thường không có), lâu ngày gây suy thận.

Cao huyết áp còn làm hẹp động mạch thận, làm thận tiết ra nhiều chất renin, khiến huyết áp tăng cao. Hẹp động mạch thận lâu ngày cũng gây ra suy thận.

 

Biến chứng về mắt

Cao huyết áp làm hư mạch máu võng mạc, thành động mạch dày và cứng làm hẹp lòng mạch lại. Khi có quá trình xơ cứng thành mạch thì động mạch sẽ đè bẹp tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn làm bệnh nhân hỏng mắt tiến triển theo các giai đoạn.

Cao huyết áp còn làm xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.

Bệnh võng mạc do tăng huyết áp, hậu quả là mù (chỗ có mũi tên).

Các biến chứng về mạch ngoại vi

Cao huyết áp làm động mạch chủ phình to, có thể bóc tách và vỡ thành động mạch chủ dẫn đến chết người.

Cao huyết áp làm hẹp động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch chân. Khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều, bệnh nhân đi một đoạn đường thì đau chân, phải đứng lại nghỉ (đau cách hồi).

 

Đại đa số các bệnh nhân cao huyết áp thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Nhiều bệnh nhân cao huyết áp hoàn toàn cảm thấy bình thường, do vô tình khám sức khỏe mới biết bị bệnh. Sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là biến chứng nặng nề của người bệnh cao huyết áp do bị tai biến mạch máu não. Do vậy việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao (như lớn tuổi, béo phì, ít vận động, trong gia đình có người thân bị cao huyết áp...) là hết sức cần thiết và quan trọng giúp phòng ngừa và tránh xa những biến chứng nguy hiểm của cao huyết áp.

Tin tức nổi bật

Chủ đề HOT

Bệnh Ung Thư Tuyến Tiền Liệt Cảm - Xốt - Ho Covid Bệnh Ung Thư Gan Bệnh HIV Bệnh ung thư đại trực tràng Bệnh Huyết Áp Xương Khớp Sức khỏe tim mạch Bệnh Tiểu Đường Viêm Gan C Viêm Gan B Viêm Gan A Vitamin và Khoáng Chất

Sản phẩm nổi bật